Đặt hàng pha lê trang trí và đồ dùng như bình bông, đĩa chưng, tô, chén, đĩa... nhiều mầu và hoa văn rất đa dạng, thường có xuất xứ từ Cộng hòa Czech. Tuyệt đối không dùng đồ pha lê cho lò vi sóng vì sẽ gây độc cho thực phẩm.
Cũng có một số doanh nghiệp Việt Nam nhập pha lê lõi (pha lê đúc thô) của Cộng hòa Czech về gia công, gọt, mài, khắc để chế tác thành phẩm. Song, những mặt hàng nhập thường sắc sảo, tinh tế hơn về đường nét và tính chiết quang (ánh sáng chiếu vào gây khúc xạ làm ta nhìn vào thấy nhiều mầu sắc) cao hơn.
Pha lê vật dụng: Các loại tô chén, đĩa, khay, tách, gạt tàn... có hai dạng, bằng pha lê trong suốt hoặc loại được trang trí thêm bằng cách mài hay khắc lên bề mặt sản phẩm những họa tiết. Có hai cách chế tác: đúc khuôn bằng tay hoặc bằng máy và tạo hoa văn qua mài, cắt, gọt thủ công. Trong nhóm này, các loại ly uống nước trái cây, uống bia, rượu... có chân hoặc không chân là nhiều kiểu dáng hơn cả. Ngoài ra, còn có những bộ chai, hũ đựng gia vị, những cái xô nhỏ có quai đựng nước đá, khối pha lê dằn giấy, hộp đựng danh thiếp... mọi thứ đều có nét riêng và sang trọng.
Pha lê trang trí: Các loại pha lê trang trí còn óng ánh hơn về sắc thái mầu và có nhiều công năng hơn. Bởi chúng có nhiều mầu, chẳng hạn: vàng, xanh lơ, xanh lục, đỏ thắm, hồng nhạt hay tím kiểu dáng phong phú, được mạ vàng, mài mờ hay khắc họa tiết... Với những bình hình dạng cái ly hay cái đĩa sâu, bạn có thể dùng đựng nước uống, pha cocktail hay đựng trái cây. Những chiếc bình rượu cũng không kém về sắc mầu và kiểu dáng, có cái tựa chiếc ấm trà mang phong cách cung đình, khảm vàng, bạc bên ngoài. Có bình trắng tinh, trong veo, khi dựng nước trái cây, rượu khi dùng cắm hoa vẫn hay vì dưới mọi nguồn sáng, pha lê đều khúc xạ và lấp lánh.
Chọn và bảo quản: Khi mua, nên nâng sản phẩm pha lê lên xem có nặng không so với thủy tinh cùng loại, vì nhẹ là không phải. Nhìn kỹ xem có bị tì vết hay bị bọt không, có chiếu lấp lánh dưới ánh sáng đèn đơn sắc (bóng đèn tròn) hay ánh sáng trời không. Do trong thành phần nguyên liệu của pha lê có chì (loại tốt hàm lượng chì khoảng 18%), nếu bạn dùng chén, tô, đĩa... bằng pha lê đựng thức ăn đưa vào lò vi ba nấu, hầm sẽ nguy hại. Các kỹ sư hóa điện cho biết, sóng của lò vi ba sẽ tách chì ra, gây độc cho thức ăn. Với nhóm đồ pha lê trang trí, chỉ cần dùng nước ấm và xà phòng rửa nhẹ. Riêng các bình chưng hoa, lâu ngày có thể bị vết cặn và mờ thì dùng giấm tẩy rồi sau đó rửa lại bằng xà phòng.
(Theo SGTT)